Chiến tranh lan rộng Sự biến Phụng Thiên

Sự bất mãn của hai tướng

Sau khi Lý Duy Nhạc bị giết, Triều đình trung ương quyết định phân Thành Đức làm ba phần: lấy Trương Hiếu Trung quản lý ba châu Dịch, Định, Thương với chức Tiết độ sứ Nghĩa Vũ[21]; Vương Vũ Tuấn là Hằng, Ký đô Đoàn luyện Quan sát sứ, Khang Nhật Tri là Thâm, Triệu đô Đoàn luyện Quan sát sứ; tăng đất của Lư Long thêm hai châu Đức, Lệ. Điều này khiến Vũ Tuấn không hài lòng.

Thứ sử Thâm châu Dương Quốc Vinh trước đã đầu hàng Chu Thao, nên Thao xin cai quản cả Thâm châu, Đức Tông không theo và buộc ông về trấn. Thao oán giận và vẫn đóng quân ở Thâm châu. Điền Duyệt đang ở Ngụy châu, nghe tin này, bèn tìm cách thuyết phục Thao và Vương Vũ Tuấn liên kết cùng mình chống Đường, hứa nhường Bối châu cho Thao. Do vậy Chu, Vương liên thủ với Điền Duyệt chống lại triều đình. Thao còn sai nha quan Thái Hùng thuyết phục Trương Hiếu Trung liên minh cùng mình nhưng ông ta từ chối[12].

Đường Đức Tông sai sứ giả đến điều động quân Lư Long, Địch Dịch và Hằng Ký cùng tấn công Điền Duyệt. Vương Vũ Tuấn không phụng chiếu, sai mang sứ giả đến chỗ Chu Thao. Thao nói với tướng sĩ dưới quyền:

Tướng sĩ có công to, ta tấu xin phong chức quan nhưng không được. Nay ta muốn cùng chư quân giả là đánh Ngụy châu, nhưng thực sự là đánh Mã Toại lấy Ôn Bão.

Hỏi đến lần thứ ba, tướng sĩ nhiều người tỏ ý không phục. Thao giết hơn 10 đại tướng và hoãn lại kế hoạch. Khang Nhật Tri đem việc ấy nói với tướng triều đình Mã Toại, Toại báo về kinh. Hoàng thượng cho rằng Ngụy châu chưa hạ được mà Vương Vũ Tuấn lại làm phản, nên tìm cách xoa dịu Chu Thao, do vậy xuống chiếu phong ông làm Thông Nghĩa Quận vương và cách chức một số người bất hòa với ông. Nhưng Chu Thao vẫn quyết tâm làm phản, đưa quân sang Triệu châu bức ép Khang Nhật Tri. Vương Vũ Tuấn cũng cử con là Vương Sĩ Chân làm lưu hậu ba châu Hằng, Ký, Thâm, bản thân mình tấn công Triệu châu.

Triệu, Yên cứu Ngụy

Chu Thao mật bàn mưu với anh là Chu Thử đang trấn thủ Phượng Tường[22] cùng khởi binh, bèn viết thư bọc sáp sai người mang đến Phượng Tường cho anh. Thư của Chu Thao đi giữa đường thì bị quân của Tiết độ sứ Hà Đông là Mã Toại biết được. Mã Toại bèn tâu báo với Đường Đức Tông. Đức Tông liền triệu tập Chu Thử về Trường An và bắt giam vào ngục, rồi sai Mã Toại và Tiết độ sứ Sóc Phương là Lý Hoài Quang mang quân đánh Chu Thao cùng các trấn Tri Thanh, Ngụy Bác.

Tháng 4 năm đó, viện quân từ Triệu, Yên bắt đầu tập hợp huyện Ninh Trấn, tổng cộng 40.000 bộ kị. Ngày 14 tháng 5 ÂL, khởi quân nam hạ. Ngày 28 tháng 6 ÂL, quân cứu viện đến Ngụy châu. Triều đình biết chuyện bèn cử thêm Tiết độ sứ Sóc Phương[23]Lý Hoài Quang đem quân tấn công nhằm hạ thành Ngụy châu. Khi Lý Hoài Quang đem quân tới, Mã Toại đề nghị ông ta nên dưỡng quân một thời gian rồi hãy tấn công, nhưng Hoài Quang không nghe, quyết định xuất quân ngay lập tức. Quân các trấn tới Ngụy châu, Điền Duyệt đem trâu, ngựa ra nghênh đón. Thao đóng quân ở Khiếp Sơn, cùng hôm đó quân triều đình do Lý Hoài Quang và Mã Toại chỉ huy cũng đến. Hoài Quang đem quân tập kích Chu Thao ở phía tây Khiếp Sơn. Sĩ tốt tranh nhau xông vào doanh của Thao, nhưng Vương Vũ Tuấn đã đem 2000 quân kị tới cứu. Thao dẫn quân theo sau cùng đánh trả, quan quân đại bại. Chu Thao lại đem quân đánh Mã Toại. Toại sợ hãi, khiển sứ đến từ tạ, hứa sẽ tâu với thiên tử cho Chu Thao thống lĩnh toàn bộ Hà Bắc. Vương Vũ Tuấn cực lực khuyên can là không nên, nhưng Chu Thao do việc này mà tỏ ra lơ là, thiếu cảnh giác. Tháng 7 ÂL năm 782, Mã Toại nhân Chu Thao mất cảnh giác, cùng chư quân lui về Ngụy huyện, tiếp tục kháng cự Thao. Chu Thao bèn tạ lỗi với Vương Vũ Tuấn. Vương Vũ Tuấn tuy ngoài miệng bằng lòng nhưng vẫn mang lòng oán hận Thao[12].

Bốn trấn xưng vương

Lúc đó cả bốn người khởi binh bàn nhau cùng xưng hiệu. Điền Duyệt cảm cái ơn cứu trợ của Chu Thao, muốn tôn làm minh chủ. Phán quan Lý Tử Mưu bên Thao cùng với Trịnh Nho bên Triệu đều thuyết phục rằng

Thời Chiến Quốc, sáu nước thực hiện thệ ước kháng Tần, nay cũng xin theo lệ cũ của Chu mạt thất hùng, lập quốc hiệu, xưng chư hầu, sử dụng quốc gia chánh sóc, tuy nhiên chỉ chưa cải niên hiệu.

U châu phán quân Lý Tử Thiên, Hằng Ký quán quan Trịnh Nhu đều đề nghị Chu Thao, Điền Duyệt, Vương Vũ Tuấn và Lý Nạp ở Tri châu, bốn trấn cùng xưng vương hiệu, chưa cải niên hiệu, tôn Chu Thao làm minh chủ. Thao chấp nhận. Ngày 9 tháng 12 năm 782, Chu Thao xưng là Kỳ vương, Vương Vũ Tuấn xưng là Triệu vương, Điền Duyệt xưng là Ngụy vương, Lý Nạp xưng là Tề vương, lập vợ làm vương phi, con trai trưởng là thế tử, nhưng vẫn dùng niên hiệu nhà Đường. Các trấn cùng nhau nhất trí tôn Chu Thao làm minh chủ[24]. Nơi ở xưng là điện, mệnh lệnh gọi là lệnh, quần thần dâng thư gọi là tiên, vợ phong làm vương phi, con trai trưởng là thế tử. Các châu đặt trị sở gọi là phủ, bố trí lưu thủ kiêm nguyên soái, giao quyền quân chính, còn bố trí Đông, Tây tào, giống như Môn Hạ, Trung thư tỉnh tại triều đình...[12]

Đại tướng nhà Đường là Lý Thịnh tìm cách cắt đường vận chuyển lương thực từ Lư Long đến Ngụy Bác, bằng việc đánh chiếm các châu Trác, Mạc, lại cùng con trai Trương Hiếu TrungTrương Thăng Vân bao vây Dịch châu thứ sử là người của Chu Thao Trịnh Cảnh Tế ở Thanh Uyển. nhưng mấy tháng chưa hạ được. Thao cử Mã Thực làm lưu thủ, đem 15000 quân cứu Thanh Uyển, Lý Thịnh bại trận phải lui về Dịch châu, Chu Thao cũng lui về Doanh châu. Về sau Lý Thịnh bệnh thậm, bèn lui quân về Định châu. Vương Vũ Tuấn lúc này sai Cấp sự trung Tống Đoan đến giục Chu Thao về Ngụy. Đoan gặp Chu Thao, nói lời không cung kính[24]. Chu Thao tức giận, gửi thư trách móc Vũ Tuấn, Vũ Tuấn sợ phải sai sứ đến tạ lỗi, nhưng bên trong thì càng oán ông hơn, nên bí mật kết ước với Lý Bão Chân cùng chống Chu Thao[25].

Chiến sự ở Tương Thành

Lúc này Lý Hi Liệt ở Hoài Tây binh lương nhiều, còn bốn trấn xưng vương thì trong tình trạng thiếu thốn, nên bàn tính lôi kéo Lý Hi Liệt về phía mình, thỉnh Hi Liệt xưng đế hiệu. Lý Hi Liệt vốn có công đánh dẹp Lương Sùng Nghĩa, nhưng cũng bất mãn với triều đình do không được ban thưởng địa bàn mong muốn, bèn hưởng ứng Chu Thao[26]. Lúc đó ông đang đóng quân ở Thái châu[27], tự xưng là Kiến Hưng vương, điều quân bao vây Tương Thành[28], còn tự mình dẫn quân về đóng ở Hứa châu[29].

Mùa xuân năm 783, Lý Hi Liệt cử quân xâm nhập Nhữ châu[30], bắt tướng Đường Lý Nguyên Bình rồi lui về. Cả thành Lạc Dương rúng động. Lý Hi Liệt sau đó còn đưa quân quấy nhiễu các châu xung quanh thành Lạc Dương. Triều đình bàng hoàng, tìm cách đối phó. Lư Kỉ do oán ghét Thái tử thái sư Nhan Chân Khanh nên tâu xin Đức Tông cho Chân Khanh đến chỗ Hi Liệt thủ dụ, khuyên ông trung thành với triều đình nhưng Hi Liệt không nghe.

Thấy Tương Thành nguy cấp, Đường Đức Tông phái Lý Miễn là Tiết độ sứ Tuyên Vũ và Kha Thư Diệu mang 1 vạn quân đi cứu. Lý Miễn muốn thừa cơ Lý Hi Liệt sơ hở mà đánh thẳng vào Hứa châu chứ không cần tới Tương Thành. Nhưng khi quân Lý Miễn đã tới Hứa châu thì Đường Đức Tông lại không tán thành ý định của Lý Miễn, bắt ông lui binh. Lý Miễn phải bỏ Hứa châu rút lui, bị Lý Hi Liệt truy kích đánh bại. Lý Miễn chạy về Đông Đô, Lý Hi Liệt bèn bao vây cắt đứt đường tiếp tế lương thực[31]. Tháng 8 ÂL, Hi Liệt dẫn 20.000 quân vây Tương Thành, Lý Miễn sai Đường Hán Thần cùng Lưu Đức Tín đến cứu viện, đều thất bại. Sau này ở Hoài Tây có loạn, Lý Hi Liệt dời trị sở về Thái châu và gửi thư tạ lỗi với triều đình, song vẫn tiếp tục tính chuyện li khai.